seo
Bệnh đau mắt đỏ: Dễ trị, khó phòng!
своими руками
wow
seo
VTEM Banners
Tin tức & sự kiện
Thứ hai, 07 Tháng 10 2013 02:14

Không nên tự ý điều trị khi chưa có sự chẩn đoán của bác sĩ.                                                                                                                    Ảnh: A.TRÂM

Như đã phản ánh, dịch đau mắt đỏ đang vào mùa từ giữa cuối tháng 9 ở tất cả các địa phương, số bệnh nhân đau mắt đỏ vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Ra đường đụng mắt đỏ

Chị N.T. Kính (Hòa Hương, Tam Kỳ) cho biết vừa kết thúc 2 đợt đau mắt đỏ liên tiếp. Đợt đầu tiên, chị Kính bị lây mắt đỏ sau khi đi biển vào sáng sớm. Bệnh vừa dứt một tuần, sau đợt công tác ở miền Bắc, chị Kính lại bị đau mắt đỏ. “Trong 2 tuần liên tiếp hầu như tôi không thể làm được việc gì, nghỉ đi biển buổi sáng, nghỉ tập thể dục buổi chiều, ở nhà thì nơm nớp lây cho người thân. Giờ ra đường là đụng mắt đỏ”.

Không nên tự ý điều trị khi chưa có sự chẩn đoán của bác sĩ.                                                                                                                    Ảnh: A.TRÂMChị Thụy Hạnh (Nam Phước, Duy Xuyên) cũng đứng ngồi không yên khi lớp mẫu giáo của con có đến 10 trẻ nghỉ học vì đau mắt đỏ. Đến khi đón con từ trường trở về, mí mắt bé bắt đầu sưng nhẹ và hay lấy tay dụi mắt. Nhìn triệu chứng của con, chị Hạnh biết bé bị đau mắt đỏ, tuy nhà có hiệu thuốc tây, chị vẫn chở bé đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh đau mắt đỏ không có miễn dịch nên nhiều bệnh nhân vừa khỏi vài ngày lại bị lây do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh (nước mắt và các chất tiết ở mũi, họng). Ngoài ra, bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.

Tại địa bàn TP. Tam Kỳ, tuần qua số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị tăng mạnh. Bác sĩ Dương Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm mắt Quảng Nam cho biết số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám ngày càng tăng, trung bình mỗi ngày từ 150 - 200 ca trong khi vào thời điểm cách đây 2 tuần trung bình một ngày từ 60 - 80 bệnh nhân. Cá biệt có nhiều gia đình đến khám vì cùng bị đau mắt đỏ. Trong khi đó, theo bác sĩ Dương Văn Sơn - Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thăng Bình, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ trên địa bàn huyện chưa có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên theo nhận định của một số bác sĩ, dịch đau mắt đỏ đang có dấu hiệu sẽ thoái lui trong một vài tuần tới.

Không tự ý chữa bệnh

Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc phản ứng dị ứng... Mặc dù bệnh gây kích thích mắt nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực. Đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi mắc bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.

Triệu chứng thường là đỏ một hoặc cả hai mắt, ngứa một hoặc cả hai mắt, cảm giác có sạn ở trong mắt, rỉ dịch ở một hoặc hai mắt, chảy nước mắt. Người bệnh có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không lấy ra được. Viêm kết mạc thường bị cả hai mắt mặc dù bệnh có thể xảy ra ở một mắt sau đó lây sang mắt kia sau 1 hoặc 2 ngày. Bệnh có thể không cân xứng, mắt này nặng hơn mắt kia. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc. Đôi khi có đau hạch sau tai, viêm họng, sốt nhẹ và mỏi mệt.

Bác sĩ Dương Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm mắt Quảng Nam cho biết thông thường đau mắt đỏ hay xuất hiện vào thời điểm mưa nhiều, năm nay dịch lây lan trên diện rộng nhất từ trước tới nay, không chỉ riêng địa bàn Quảng Nam, cả nước đang tràn ngập đau mắt đỏ. Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo đau mắt đỏ có thể nhầm với các bệnh như viêm màng bồ đào, viêm phần trước giác mạc, nếu người bệnh tự điều trị sẽ rất dễ gặp biến chứng, nghiêm trọng nhất là giảm thị lực do loét giác mạc. Bệnh nhân bị viêm kết mạc có giả mạc cũng là bệnh đau mắt đỏ nhưng biểu hiện hơi khác là ngoài sưng mắt là biểu hiện có chảy dịch màu hồng. Những bệnh nhân này thường có nước mắt màu hồng nhạt, khác với bình thường nước mắt có màu trắng hoặc trắng ngà. “Nhiều bệnh nhân thường tự ra hiệu thuốc mua thuốc chữa khi đau mắt đỏ, nhưng mắt đỏ cũng có nhiều loại, nếu không có sự chẩn đoán và tư vấn chính xác sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân”- bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt… do dùng chung khăn mặt với người bệnh hoặc tay người nào đó có dính dịch tiết đau mắt đỏ của người này đụng vào mắt người khác. Nhiều quan niệm sai lầm rằng người lành nhìn vào mắt người bệnh có thể bị lây lan. Vi rút đau mắt đỏ lây lan qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi, những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn…) hoặc qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ nước hồ bơi). “Đây là loại bệnh dễ trị nhưng rất khó phòng, người bệnh cần biết giữ gìn vệ sinh mắt, điều quan trọng là giữ bàn tay thật sạch sẽ trước khi ăn, sau khi làm việc…”, bác sĩ Dương Tấn Hùng cho biết thêm.

ANH TRÂM

 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 07 Tháng 10 2013 02:22
 

Add comment


Security code
Refresh