Theo ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng ban Dược - vật tư - thiết bị y tế (BHXH VN), giá trúng thầu thuốc tại bệnh viện (BV) công từ nay sẽ phải tính đến mức giá tham khảo do BHXH quy định, nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch quá nhiều giữa các BV.
Trước mắt, các thuốc được kiểm soát thuộc 5 hoạt chất: methylprednisolon; cefuroxim; cefoperazol; ceftriazon; levofloxacin. Những loại thuốc trên được chọn ra trong số gần 300 thuốc trúng thầu năm 2012, và là những thuốc được chỉ định nhiều nhất, có chi phí lớn nhất. Ông Vũ Xuân Hiển cho biết có đơn vị chỉ riêng các thuốc thuộc 5 hoạt chất trên mức thanh toán đã chiếm đến 20% tổng kinh phí quỹ BHYT dành cho tiền thuốc.
Giải thích về tác dụng của khung giá này, ông Hiển nói: “Đây là cơ sở tham khảo khi xét thầu thuốc cung ứng vào BV công. Trong trường hợp giá trúng thầu cao hơn, cơ sở nên thương thảo để nhà cung ứng điều chỉnh với mức phù hợp”. Trong năm 2013, BHXH dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra mức giá phổ biến đối với 20 hoạt chất thuốc khác.
Lâu nay, mặt hàng thuốc do doanh nghiệp tự định giá, tự chịu trách nhiệm kê khai giá nên nhiều thuốc kê giá rất cao. Mặc dù đã có quy định cơ quan nhà nước phải đưa ra giá tối đa cho các thuốc và giá này công bố 6 tháng một lần, nhưng Bộ Y tế vừa qua chưa thực hiện được. Vì vậy, các doanh nghiệp cung ứng thuốc đưa ra nhiều giá khác nhau cho cùng một sản phẩm khi đấu thầu. Còn hội đồng thầu lại không có một mức chung tương đối nào để làm căn cứ. Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chế độ BHYT (BHXH VN), khảo sát cho thấy cùng một loại thuốc nhưng giá trúng thầu có thể chênh lệch vài chục ngàn đồng/đơn vị giữa các BV. Thậm chí có loại chênh lệch giá đến 2 lần. Có thuốc ung thư chênh lệch gần 1 triệu đồng/đơn vị với cùng một sản phẩm.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, xác nhận từ tháng 4/2013 sẽ có khoảng 500 - 600 thuốc thiết yếu (kháng sinh, thuốc điều trị ung thư) thuộc diện quản lý giá bằng thặng số. Theo đó, các thuốc này sẽ bị kiểm soát về lợi nhuận. Từ giá gốc đến giá cung ứng vào các BV chỉ được hưởng mức chênh lệch trong phạm vi cho phép.
Ông Vũ Xuân Hiển đề xuất: “Việc công bố giá trần nên thực hiện ưu tiên với các thuốc thiết yếu trong số 22.000 thuốc hiện nay. Cơ quan quản lý có thể căn cứ vào giá nhập khẩu (CIF) và các chi phí khác để khống chế mức lãi cho phép, đưa ra giá trần cho thuốc đó, tránh bị đẩy lên bất hợp lý. Mức chênh lệch khoảng 30- 40% so với giá gốc là phù hợp”.
PhungLan.CHITI
Theo Dân Việt