seo
Sinh 4 - 5 nhờ hỗ trợ sinh sản: Thành tích hay thất bại của y học?
своими руками
wow
seo
VTEM Banners
Tin tức & sự kiện
Thứ hai, 01 Tháng 4 2013 08:20

Ca sinh năm tại BV Từ Dũ nhờ can thiệp bằng biện pháp kích thích noãn vừa qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng đó là thành tích của y học, nhưng cũng có ý kiến trái chiều khẳng định đó là thất bại trong điều trị vô sinh.

Không chỉ ca sinh năm mà ca sinh tư trước đó đã cho thấy việc lạm dụng hỗ trợ sinh sản đang có chiều hướng tăng lên. Ngay cả cơ quan quản lý dân số khi gặp phải những tình huống này cũng… lúng túng.

Những đứa trẻ “bé hạt tiêu”!

Thông tin mới nhất về ca sinh năm của sản phụ L.H.A.T. (Q.5, TPHCM) tại BV Từ Dũ, đến chiều 26/3, chỉ có 3 bé đã được chuyển lên Khoa Điều trị theo yêu cầu để nằm chung với mẹ. Hai bé còn lại, trong đó có bé trai nhẹ cân nhất (1,3kg) vẫn trong tình trạng suy hô hấp và đang thở oxy tại khoa Sơ sinh. Các bác sĩ cho biết, do sinh non nên trong hai năm đầu đời, 5 bé cần phải được theo dõi chặt chẽ và kiểm tra định kỳ với một chế độ chăm sóc đặc biệt.

Đây là trường hợp sinh năm hiếm gặp tại VN. Trước đó, sản phụ L.H.A.T, sinh năm 1985, lập gia đình 2 năm nhưng không có con đã đến một cơ sở tư nhân để khám thai và sau đó tiến hành kích thích noãn tại phòng khám đa khoa M.K kết hợp bơm tinh trùng. Kết quả là sản phụ mang 4 thai. Khi thai chỉ mới 33 tuần 5 ngày, sản phụ đã có dấu hiệu sinh sớm và khi BS phẫu thuật gây tê bắt con đã phát hiện sản phụ có đến 5 thai. Năm trẻ chào đời lần lượt có cân nặng 2kg, 1,8kg,1,5kg và hai bé 1,3kg. Được biết, chồng của chị A.T hiện là lái taxi và chị không có việc làm.

Trước đó, tại BV Nhân dân Gia định, TPHCM, một trường hợp sinh bốn cũng được ghi nhận vì sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Sản phụ tên L.T.V.T (21 tuổi, quê An Giang) chỉ một năm sau khi cưới thấy không có con đã đến BS tư khám và được chỉ định sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Kết quả là sản phụ này mang 4 thai nhưng sinh non khi thai mới 32 tuần tuổi. Cả 4 đứa trẻ đều yếu ớt, nhẹ cân: Ba bé gái (một nặng 1,1kg, hai nặng 1,65kg) và một bé trai nặng 1,7kg. Hoàn cảnh của chị T cũng cực kỳ khó khăn khi cả gia đình trông chờ vào đồng lương công nhân thuỷ sản của chồng.

Một trường hợp sinh bốn khác vào tháng 6/2012 tại BV Từ Dũ cũng nguy hiểm không kém khi người mẹ suýt phải đánh đổi cả tính mạng của mình vì bị tiền sản giật trong lúc vượt cạn. Đó là trường hợp của sản phụ T.T.T, 31 tuổi, ngụ tại Lai Vung, Đồng Tháp. Bốn đứa trẻ chào đời trong tình trạng “siêu” nhẹ cân: 1,5kg; 1,6kg; 1,2kg và 1,7kg. Không lâu sau khi chào đời, 2 trong số 4 bé gái đã phải chuyển đến BV Nhi Đồng 1 để tầm soát và phẫu thuật mắt vì chứng bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Theo gia đình, sức đề kháng của những đứa trẻ này rất yếu so với trẻ khác. Ngoài ra một số bệnh khác đang được các BS cảnh báo có nguy cơ cao như: Thính lực, tâm thần, vận động… Điều đáng nói, gia đình của sản phụ này cực kỳ khó khăn khi người chồng hiện đi làm thuê mỗi ngày chỉ kiếm được 120.000 đồng…

Dễ có nguy cơ sinh non

Một thực tế đáng báo động hiện nay là việc lạm dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản để được song thai, đa thai. Chính vì quá dễ dãi trong kiểm soát nên dẫn đến trào lưu đua nhau đi tiêm thuốc kích thích trứng hoặc kỹ thuật khác bất chấp nguy hiểm cho cả con lẫn sản phụ.

TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết: “Điều trị hiếm muộn phải học một cách bài bản chứ không phải ai điều trị cũng được. Thật sự thuốc không tốt tuyệt đối 100%, nó là con dao hai lưỡi, muốn điều trị phải học hỏi, phải tham gia các lớp tập huấn để điều trị bệnh nhân cho an toàn”.

Cũng theo BS Diễm Tuyết, khi dùng thuốc kích thích buồng trứng, đặc biệt là thuốc dạng chích, sẽ đối diện hai biến chứng thường gặp là quá kích buồng trứng và đa thai, tức có nhiều trứng rụng một lúc. Đa thai sẽ làm cho mẹ có nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, con thì dễ bị sinh non, dễ mắc các bệnh lý sơ sinh. Tuy nhiên, đa thai cũng có biện pháp hạn chế. Ở BV Từ Dũ, khi bệnh nhân được kích thích buồng trứng và kết quả nếu có trên hai thai sẽ chỉ định chủ động can thiệp giảm thai, ba giảm một, bốn giảm hai.


Cảnh báo về những biến cố khi mang đa thai, BS Võ Đức Trí, Phó khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết, mang đa thai rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Sản phụ khi mang song thai thì nguy cơ sinh non đã tăng lên 66% so với mang một thai. Nếu mang từ ba thai trở lên thì nguy cơ sinh non chắc chắn tăng lên gấp nhiều lần. Sản phụ mang đa thai cũng phải đối mặt rất lớn với nguy cơ tiền sản giật.

Với một đứa trẻ sinh non, do cơ thể chưa trưởng thành đầy đủ nên dễ gặp nhiều mối đe doạ như suy hô hấp, dễ bị nhiễm trùng, còn ống động mạch ở tim, không dung nạp thức ăn, dễ bị viêm ruột hoại tử, bệnh lý võng mạc, thính lực, kém phát triển tâm thần – vận động. Chẳng hạn, sản phụ sinh năm T.H.A.T buộc phải mổ lấy con khi chỉ mới 33 tuần 5 ngày còn sản phụ L.T.V.T thì chỉ mới 32 tuần tuổi đã phải phẫu thuật bắt con… Những đứa trẻ của các sản phụ nêu trên đều không có trẻ nào cân nặng vượt quá 2kg.

TS. BS Vũ Tề Đăng, Phó khoa Nhi sơ sinh, BV Từ Dũ, người trực tiếp theo dõi năm đứa trẻ trong trường hợp sinh 5 cho biết: “Chúng tôi lo lắng trước những nguy cơ cao các bé có thể gặp phải như: Bệnh lý võng mạc; câm điếc bẩm sinh; chậm phát triển về tâm thần vận động…”.

Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó GĐ Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, cho rằng “với những trường hợp sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, pháp luật cần phải có quy định rõ về số lượng thai nhi người mẹ được mang. Không nên để đứa trẻ sinh ra đạt trọng lượng chỉ hơn 1kg thì quá nguy hiểm”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sinh sản, hiếm muộn, xu hướng hiện nay trên thế giới là áp dụng biện pháp hỗ trợ giúp phụ nữ mang tối đa 2 thai. VN hiện chưa có chính sách hỗ trợ kinh tế cho những gia đình có những trường hợp đa thai từ 3 trở lên. Vì thế, gia đình phải chủ động hoàn toàn kinh phí nuôi dạy sau này. Bên cạnh đó, sản phụ mang đa thai cũng phải chuẩn bị tốt về tâm lý vì phải đối mặt với khó khăn gấp nhiều lần do phải chăm sóc, nuôi nấng nhiều đứa con cùng một lúc.

Bà Tô Thị Kim Hoa cho rằng, chiến lược sức khỏe sinh sản dân số đang hướng tới thế hệ tương lai, bà mẹ là người cần được bảo vệ sức khỏe trước tiên, các bé khi ra đời phải khỏe mạnh, phát triển tốt hướng tới cải thiện giống nòi nâng cao chất lượng dân số Việt Nam. Bố mẹ nào cũng thương con, giữ con nhất là trong thời điểm vô sinh hiếm muộn đang tăng lên như hiện nay, nhưng vì tương lai của đứa trẻ sau này, bố mẹ nên là người cần đưa ra những quyết định sáng suốt nhất để đảm bảo cho đứa trẻ phát triển một cách toàn diện.

Theo Võ Tuấn (Lao động)

 

Add comment


Security code
Refresh