Hàng tết được dự báo không thiếu nhưng điều các doanh nghiệp và tiểu thương e ngại nhất là sức mua yếu hơn mọi năm.
Chỉ còn vài tuần nữa là đến tết Nguyên đán, ghi nhận tại một số chợ đầu mối, chợ lẻ và hệ thống siêu thị ở TP.HCM, hàng hóa tết đã được bày bán ở nhiều gian hàng nhưng người mua thì thưa thớt. Theo nhiều tiểu thương, đơn hàng giảm gần phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá cả một số mặt hàng thực phẩm lại tăng thêm gần 40%. Dự báo đến cận tết, giá các mặt hàng này sẽ còn tăng thêm.
Tăng và sẽ tiếp tục tăng
Chợ Bình Tây (quận 6) những ngày này, các sạp đang rộn rịp nhận hàng nhưng ghé một sạp chuyên bán sỉ - lẻ thủy hải sản khô, chị T. - chủ hàng cho biết nhịp mua bán hàng tết chưa sôi nổi, các mối lái chưa đặt hàng. “Những năm trước giờ này là chị không thể ngồi tiếp chuyện em được đâu!” - chị chia sẻ.
Hàng bán đã chậm, theo chị T., giá các loại thực phẩm như tôm khô còn tăng thêm 20.000-70.000 đồng/kg, dao động từ 130.000 đến 650.000 đồng/kg. Ở các sạp khác, tôm khô có loại giá từ 760.000 đến hơn 800.000 đồng/kg. Bò khô các loại tăng thêm 10.000-30.000 đồng/kg như loại đặc biệt 200.000 đồng/kg, loại cao cấp 300.000 đồng/kg. Lạp xưởng tăng khoảng 15.000 đồng/kg tùy loại. Chị Nguyệt bán hàng thủy hải sản cho biết, lạp xưởng tăng do giá thịt heo tăng, còn như cá cơm giòn thượng hạng chưa tăng (hiện 150.000 đồng/kg) do mùa trùng vào dịp tết, qua tết mới tăng. Riêng nho khô khoảng 1,7 triệu đồng/thùng, giá bán lẻ 130.000-135.000 đồng/kg.
Sản phẩm mới của Công ty Trí Đức (thương hiệu mứt Lạc Xuân). Ảnh: TÚ UYÊN
Tại khu bánh kẹo, nhiều tiểu thương cũng than bán chậm, đơn hàng giảm đến 30%. Chủ sạp TL cho biết: “Ế quá nên các mối chưa dám đóng hàng nhưng mình vẫn phải trưng bày hàng tết để khách nhìn vào biết là có bán!”.
Trong khi mặt hàng bánh kẹo khá ổn, giá chỉ tăng nhẹ vài ngàn đồng thì hầu hết các chủ sạp hàng khô như thủy hải sản, hạt dẻ, hạt điều… đều “nhắc nhở” không mua mặt hàng này bây giờ thì tết giá còn lên nữa.
Giảm hàng cao cấp, ra hàng mới lạ
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, năm nay công ty đánh vào sản lượng hơn là doanh số, không đeo theo hàng cao cấp. Chẳng hạn, thay vì cần khoảng 1 triệu đồng mới mua được sản phẩm quà biếu loại cao cấp của Vinamit thì người tiêu dùng (NTD) chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng.
Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết công ty hạn chế sản phẩm cao cấp, đẩy mạnh sản phẩm giá hợp lý. Ví dụ, mặt hàng thực phẩm khô không tích hợp vào một hộp lớn với bao bì sang trọng nữa mà được đóng lẻ thành từng gói, giá thấp hơn. Các công ty bánh kẹo thì thiết kế các dòng bánh với nhiều cấp trọng lượng và mẫu mã khác nhau, chủ động đưa hàng về nông thôn.
Tết cũng là dịp các doanh nghiệp (DN) tung ra sản phẩm độc đáo, mới lạ để thu hút NTD. Chẳng hạn bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Trí Đức (thương hiệu mứt Lạc Xuân), thông tin mới đưa ra thị trường dòng mứt cà chua bi và mứt mãng cầu ít đường, giá 150.000-180.000 đồng/kg. Còn ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí (Hậu Giang), chuyên về bưởi hồ lô và dưa hấu hồ lô, cho biết lượng khách hàng tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, giá cả tương đương. Cụ thể: bưởi hồ lô 300.000-700.000 đồng/trái, dưa hấu hồ lô 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/trái.
Công ty TNHH Gia Kiệm thì đưa ra sản phẩm mới: chôm chôm nước đường đóng hộp, giá 22.000 đồng/hộp. Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Giám đốc công ty, sản phẩm này đặc biệt ở chỗ chôm chôm thường chỉ có vào tháng 6, 7, 8 nhưng nay xuất hiện vào đầu năm và chất lượng đảm bảo.
Hy vọng sức mua cuối năm
Sức mua giảm là biểu hiện cho thấy NTD chưa háo hức chuẩn bị tết. Trao đổi với gia đình chị Nguyễn Thị Hoàng (quận Phú Nhuận) đang mua sắm ở Siêu thị Big C, được biết mỗi tuần cả nhà cùng đi mua các mặt hàng cần thiết như thịt, rau, mỹ phẩm chứ chưa nghĩ tới sắm tết. Tương tự, Trần Thị Hoàng Oanh (quận Tân Phú) kể công ty thưởng tết Tây chỉ gần 1 triệu đồng, thưởng tết ta thì chưa có thông tin gì nên cũng “ngại” chuẩn bị tết.
Ông Trần Thuận Quang, Giám đốc kinh doanh Siêu thị Citimart, cũng nhận định việc lương thưởng cuối năm chưa được thông báo rõ khiến NTD mua sắm thăm dò, quan tâm đến mặt hàng thiết yếu cho gia đình là chính. Thời gian này, siêu thị tập trung vào các chương trình khuyến mãi.
Và đến thời điểm này, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, vẫn cho rằng chưa thể dự báo gì về sức mua. Nhưng thường khi kinh tế khó khăn thì sức mua sẽ dồn vào cận tết nên Saigon Co.op tăng dự trữ lượng hàng hóa 25% so với năm ngoái. DN đang bình ổn giá nhóm hàng thiết yếu và thực hiện chương trình khuyến mãi.
Hàng tết đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ ngại không có người mua. Tuy nhiên, với tâm lý muốn có cái tết cho “bằng chị bằng em” của người Việt, các DN và tiểu thương vẫn hy vọng vào đợt mua sắm cuối năm.
Thời gian qua, giá một số loại thịt tăng là so với các tháng trước chứ không tăng đột biến. Riêng rau củ quả tăng giá theo vụ mùa là chính, miền Bắc đang mùa rét nên giá có cao hơn. Do sức tiêu dùng đang yếu nên giá hàng tết khó tăng, ngay trước tết nhiều DN sẽ khuyến mãi lớn. Với chương trình bình ổn, chuẩn bị nguồn dự trữ của TP.HCM, người tiêu dùng có thể yên tâm hàng tết dồi dào và giá cả ổn định. Ông NGUYỄN LỘC AN, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) |
TÚ UYÊN
Theo (www. phapluattp.vn)